Thứ Năm, 8 tháng 8, 2013

TIẾNG KHÓC NỈ NON 1

Nguyễn Quang Lập 
Anh Thứ năm nay đã hơn bảy chục, có họ xa với mình nên mình vẫn gọi bằng anh dù hơn mình hơn hai chục tuổi. Hồi trẻ anh đẹp trai nhất huyện, anh đi tới đâu gái đổ rầm rầm tới đó.

 Anh lấy một cô không xinh lắm nhưng nết na, ấy là chị Lê. Họ chỉ có một đứa con trai tên là  Thư. Thằng này cũng đẹp trai hết cỡ, nó đi tới đâu gái cũng đổ rầm rầm tới đó. Nhưng tính nết cha con mỗi người mỗi phách.


Anh Thứ hiền lành nhu mì, chăm chỉ làm ăn, suốt đời chưa khi nào dám nghĩ đến chơi bời. Ngược lại thằng Thư là kẻ phá gia chi tử, ăn hại đái nát từ bé cho đến bây giờ. Năm 1975 nó đòi ra Hà Nội ở, nói thế nào nó cũng không chịu, thế cùng anh Thứ chị Lê phải bán nhà đi theo nó.

Mười năm ở Hà Nội thằng Thư chỉ làm đúng bốn việc: rượu chè, cờ bạc, đua xe và đánh nhau. Anh Thứ chị Lê sạt nghiệp vì nó. Một tháng cả chục lần vợ chồng anh phải lên đồn công an nhận con, cực nhục đủ đường.

 Chơi chán thằng Thư đòi bán nhà vào Sài Gòn. Vừa lúc có người bạn ở  Sài Gòn  nhắn nhe năm lần bảy lượt, nói có cái nhà to ở Quận 1 chỉ để rẻ chục cây thôi. Dù họ không nói ra anh Thứ chị Lê cũng biết họ sắp vượt biên, bèn bán nhà vô Sài Gòn ngay. Một công đôi việc, vừa mua được cái nhà rẻ vừa nhổ thằng Thư ra khỏi môi trường hư hỏng của nó.

Ngày anh Thứ chị Lê rời Hà Nội mình có đến ăn cơm chia tay. Bữa cơm buồn thiu, thằng Thư say rượu hò hét điên cuồng, anh Thứ chị Lê vừa ăn vừa khóc.

25 năm sau, năm 2010 mình vào Sài gòn, đang chạy loanh quanh mua nhà bỗng đâu thấy anh Thứ . Anh mừng quýnh túm chặt tay mình cứ hỏi đi hỏi lại vô khi mô.. vô khi mô?

 Mình  kéo anh vào  quàn cà phê, nói em đang chạy đi tìm mua nhà để rước vợ con vào. Anh vô đùi đánh đét, nói trời đất ơi mi vô trễ chút xíu, anh bán cái nhà mất rồi!

Mình hỏi anh Thứ, nói răng bán nhà đi? Anh Thứ khẽ thở dài, nói chị Lê mất rồi, anh để cái nhà cho thằng Thư rồi vô trại dưỡng lão.Nó bán chứ không phải anh bán.

 Mình ngạc nhiên nhìn anh, nói sao anh không ở với thằng Thư, vô trại dưỡng lão làm chi? Anh khẽ thở dài, nói ừ nhưng mà nó cũng đã vợ con rồi, sống chung cũng phức tạp lắm.

Anh ngừng lại giây lát rồi ngập ngừng, nói với lại nhà đó có ma. Mình cười, nói nhà đã có ma anh lại còn đòi bán cho em. Anh nói không, ma chỉ hành nhà anh thôi, tuyệt không hành ai hết.  Khách đến nhà ngủ không ai bị ma hành cả. Lạ lắm.

 Mình không tin, cười cái xoẹt, nói thật a anh?  Anh cười buồn, nói anh từng ni tuổi còn nói láo mần chi em.

Rồi anh buồn rầu nói để anh kể cho nghe.

Anh kể chị Lê bị ung thư phổi, từ khi phát bệnh chỉ ba tháng là đi. Những ngày cuối cùng chị Lê cứ cầm tay anh khóc, nói em đi rồi anh sống với ai?... Thằng Thư không nuôi được anh mô. Anh cũng khóc, nói trời bắt sao mình nghe vậy, em đừng có lo cho anh.

 Nhưng chị vẫn cứ khóc, đến lúc hấp hối rồi còn cố hắt ra mấy tiếng, nói em… đi… rồi… anh sống với ai? Lúc đó có thằng Thư bên cạnh, nó sầm mặt không nói gì.

Xong ba ngày mở cửa mả, thằng Thư dọn cái phòng trên lầu, nói giờ ba chỉ có một mình, ở trên lầu cho yên tĩnh. Anh ừ liền.

Lầu 2 rộng rinh chỉ mỗi phòng ngủ của anh và phòng đặt bàn thờ, yên tĩnh thật nhưng yên tĩnh quá cũng buồn. Anh phải mở đài suốt ngày đêm cho  có tiếng người, kể cả khi ngủ anh cũng không tắt đài.

Một đêm đang ngủ anh bỗng nghe có tiếng ho khan, nghe rất giống tiếng ho của chị Lê. Anh vùng dậy tắt đài xem tiếng ho phát ra ở đâu. Đợi mãi vẫn không nghe thấy gì, anh bật đài rồi nằm ôm cái đài ngủ.

Anh vừa thiu thiu lại nghe có tiếng ho, lần này tiếng ho to hơn, dài hơn hệt như khi chị Lê lên cơn, chị vừa ho vừa thở dốc. Anh vùng dậy tắt đài, cố lắng nghe xem có tiếng thở dốc không. Có! Tiếng thở dốc nghe rất rõ, đúng là tiếng thở của chị Lê.

Anh chồm dậy lao tới cửa bật đèn. Có bóng đen vụt ra cửa. Một bóng đen nữa. Anh hỏi ai đấy, không ai trả lời. Căn phòng sáng trưng, không thấy gì ngoài cái bóng của anh.

Anh ngồi rầu rĩ chả hiểu làm sao.

Thuở bé đến giờ anh chẳng biết ma quỉ là gì, lần đầu anh mới thấy. Anh không sợ nhưng mà buồn, không lẽ chị Lê hiện về đây để dọa anh?

Bỗng thằng Thư đập cửa rầm rầm. Anh mở cửa. Nó lao vào mặt xanh như đít nhái, nói ba có nghe thấy gì không? Anh nói tau nghe tiếng mạ mi ho, nghe rất rõ. Thằng Thư nói con cũng rứa, mạ vừa ho vừa khóc.

Anh chẳng biết nói sao. Hai cha con ngồi nhìn nhau. Thằng Thư nói nếu ba sợ thì xuống lầu 1 ngủ với các cháu. Anh cười nhạt lắc đầu, nói sợ cái chi. Mạ mi chớ ai, răng mà sợ. Thằng Thư thở hắt, bỏ đi xuống lầu 1.

 Anh Thứ quyết định rình xem tiếng ho phát ra từ đâu. Anh tắt đèn, tay cầm cái đèn pin ngồi thu lu trong bóng tối chờ đợi. Khoảng hơn một giờ thì nghe tiếng kẽo kẹt như  tiếng đưa võng, cái võng tre chị Lê vẫn hay dùng. Ngày đưa chị về trời, anh đã hóa cái võng cho nó về trời cùng chị.

Anh bấm đen pin rọi lung tung vẫn không thấy gì. Tiếng kẽo kẹt mất tăm. Đợi mãi vẫn không thấy. Nhưng khi anh tắt đèn pin thì tiếng kẽo kẹt lại vang lên. Anh bật đèn sáng trưng kiểm soát  rất kĩ khắp phòng. Không thấy gì, tiếng kẽo kẹt cũng tắt.

Anh sang phòng thờ, tính thắp hương khấn chị Lê mấy câu để chị sống khôn thác thiêng thì phù hộ độ trì cho anh và con cháu, đừng có quấy rầy nữa.

Vừa mở cửa phòng thờ bỗng đâu một cơn gió từ trong nhà ùa ra, một cái gì bỗng chụp lấy trùm kín lấy anh.

 Đó là một tấm dù lớn. Tấm dù cưới của anh chị, anh tính giỗ đầu chị thì hóa vang cho nó đi theo chị luôn. Tấm dù anh cất kín trong tủ, không hiểu sao lại bung ra trùm kín lấy anh?

Anh luống cuống không sao chui ra khỏi tấm dù. Vừa vén được lên, gió thổi nó lại ụp xuống, cuốn kín lấy anh, giống như chị đang ôm chặt lấy anh vậy.

Bỗng nghe tiếng chị khóc nỉ non, vừa ho vửa khóc, nói em đi rồi anh biết sống với ai.?...

Tiếng khóc của chị như ở trên đầu anh, tiếng khóc nỉ non, vừa ho vừa khóc. Anh cố bứt ra khỏi tấm dù, bật đèn. Phòng thờ sáng trưng, trên bàn thờ ảnh chị đang mỉm cười nhìn anh. Chẳng còn nghe tiếng khóc lóc của chị nữa.

Vừa lúc vợ chồng con cái thằng Thư chạy lên túm lấy anh vừa thở vừa nó ba ơi mạ về! Anh hỏi răng, thằng Thư nói mạ ngồi khóc nỉ non ở trong bếp.

Anh Thư đứng ngẩn ngơ không biết nói sao. Xưa, mỗi lần  giận anh, chị lại ngồi xó bếp khóc nỉ non.
( còn nữa)

Không có nhận xét nào: