Thứ Sáu, 21 tháng 6, 2013

NGẪU HỨNG TRẦN TIẾN 2

Trần Tiến
Anh về quê thằng Thanh Thảo, anh thích nó vì thơ nó quay mặt vào tường mà viết. Tất nhiên nó đi chơi chán mới về nhà, quay mặt vào bên trong cõi lòng mình. Dân bói toán gọi thế là hướng nội. Anh nghe câu này từ ông anh Dương Tường lãng
mạn nhất quả đất. Anh Dương Tường nói với anh: em là nhạc sỹ hướng ngoại. Em cứ ra sân khấu là khán giả sướng. Thế là em lại ngẫu hứng bịa tiếp cho khán giả sướng thêm. Em là người của công chúng. Thằng Thụ thì khác ( Nhạc sỹ Dương Thụ, cũng là bạn của anh, cũng yêu mấy ông anh nhà văn Xuân Khánh, Châu Diên..) Nó hướng nội. Mãi vài năm sau anh mới hiểu lờ mờ.
Lại kể chuyện quê thằng Thanh Thảo. Anh nghe nói ở đây có ốc lồn. Nghe gai người, nhưng sướng. Cũng giống quê em gọi cháo hàu là cháo lồn ngâm, nghe tục bỏ mẹ. Nhưng mà thích nghe. Nghe rồi thích ăn. Ăn rồi thích ăn nữa.
Anh về ở Vũng Tàu toàn mời bạn ăn ốc” vú nàng”, cũng chẳng ngon gì mấy, người quê thấy giống cái gì thì gọi thế cho nhớ. Thằng em của Thanh Thảo dẫn anh đi, bảo các cô :- Ở đây có ốc…bướm không ? Các cô ngoài chợ quê không hiểu. Có bà đi chợ nhắc khéo. Các cô cười bảo:- Ốc lồn thì biểu ốc lồn, mắc chi mà bẻ queo vậy hả..
Nhớ lại một lần ngu.
Vì nể thằng em giám đốc truyền thông mà đi chấm ” Bước nhảy hoàn vũ”. Các em ấy nhảy thế nào thì mình nói thế. Nhảy điệu latin thì phải nhìn mông, vú có nảy lửa không. Ngày hôm sau các comments xô vào phản ứng, dân truyền thông vớ được tin sốt dẻo, đổ dầu thêm cho lửa cháy bùng thành sì căng đan để mơi khách và bán quảng cáo. Tự nhiên anh thấy mình lạc lõng giữa thế giới này, giữa những khán giả mình vẫn thân yêu hết lòng viết bài hát cho họ.
Nhưng rồi anh chợt hiểu ra điều mà lâu nay quen sống trong hào quang  quên mất: Anh đã già rồi. Những khán giả yêu anh cũng già theo, hoặc đã về trước, nơi cõi vĩnh hằng bình yên. Anh vẫn còn ngồi đây tí tởn với “bước nhảy hoàn vũ”… Sao không hoàn vũ đi, nhạc sỹ hết thời ơi.
Thế giới này  mình không quen. Con gái thì chỉ tự tin khi có băng vệ sinh Kotek. Đàn ông trở nên đích thực vì uống bia gì đó, đi xe gì đó. Trẻ con thì thông minh vì bú sữa gì đó. Ông Nguyễn Tuân bú sữa gì nhỉ. Ông Hoàng Cầm đi xe gì mà con gái chết mê  chết mệt. Chả biết.
Cái thế giới này mình không quen. Nhiều lúc thấy cô đơn, nhấc máy gọi cho người tình nghe một tiếng dạ rỗng không, buồn tênh. Gọi cho thằng em Đỗ Trung Quân – em nghe -Anh Tiến đây -Vâng, em biết rồi. Có việc gì không anh. Ừ. Mình có việc gì đâu nhỉ. Nhớ anh Sơn ngày ấy chắc cũng buồn lắm, mới sáng sớm đã gọi cho mình.- em đây, có gì không anh. Anh sẵng giọng -Còn việc chi nữa, lại ngồi uống, chừ còn việc chi nữa.
Thế giới của mình, anh Sơn cũng không quen.
Làm sao quen được với thế giới rỗi hơi, chát chít, com men com mít, gêm gêm ghit ghít. Uống nước ngọt mà thấy mình bay lên. Nói giọng a còng, và yêu cũng “còng”. Trai thì mất cu mà gái như có dái.
Thế giới ngày xưa chìm xuống nước vì vật chả ra vật, toàn khủng long.
Thế giới ngày nay chắc cũng sắp chìm vì người chả ra người, toàn thấy giống rô bốt bị lỗi.
Anh có bi quan quá không hả Lập?
Lâu lắm rồi, đêm qua nó lại hiện về.
-         Sao mày ở thiên đàng mà vẫn mặc áo lính ?
-         Quen mất rồi Tiến ạ, mặc cái gì cũng thấy khó chịu, dù đẹp đến mấy cũng thấy thiếu cái gì đấy, à…mùi cỏ úa chẳng hạn.
-         Ừ nhỉ, cái mùi ẩm mốc của rừng già, cái mùi hôi của thuốc lá Tà –ôi. Mùi mồ hôi và máu dính…ngày ấy.
Tỉnh dậy, nó lại đi rồi. Nhìn qua cửa sổ, có gì đó vừa bay đi như một vệt  sao màu cỏ úa.
 Năm 75 anh về, mang cho mẹ bao nhiêu quần áo đẹp kiểu câc bà mợ quí phái trước 54. Chả bao giờ thấy mẹ mặc. Lúc nào mẹ cũng chỉ bận mấy cái áo cánh vải phin gì đó,thời bố còn sống, vá nhiều lắm rồi.
Mãi sau này mình mới hiểu lờ mờ, bố mất rồi mẹ mặc áo đẹp cho ai .
 Về Hà nội, đôi khi thóang bóng mấy lưng áo màu cỏ úa đi tập thể dục quanh hồ, đến gần thì y chang. Mấy người già cỡ tuổi mình cả. Quần áo đẹp giờ rẻ bèo, sao những người đi qua cuộc chiến lại ít khi dùng nhỉ.
 Sáng nay đi tập sớm, về khách san thấy chăn mên đã gấp ngăn nắp, đôi dép sếp cuối giường hướng mũi ra ngoài như chỉ để chờ báo động là chạy. Nghĩ buồn cười cái thằng bạn lính cùng phòng, bằng tuổi mình mà thói quen vẫn giữ như ngày trong rừng.
          -Lát nữa  khách sạn họ dọn cho, sao mày phải cẩn thận thế?
          – Quen mất rồi, Tiến ạ.
Lại thế!… giật mình nhớ câu nói trên thiên đường đêm qua.
 Thằng bạn “còn sống “ngồi lặng lẽ rót cho anh ly trà sớm, xuýt xoa giá bây giờ có điếu thuốc lào Tiến nhỉ.
Nghe buồn chết mẹ.
 Ôi ,những ngôi sao màu cỏ úa quanh ta…Gía mà cuộc đời không mất niềm tin và tuột dốc thế này thì cuộc chiến ấy đẹp biết bao nhiêu.
 Anh kiếm cho nó được cái điếu cày ở chỗ mấy cậu bảo vệ. Nó phả khói đầy phòng xong rồi chậm rãi kể như tụng kinh :
-Tao bị báo tử rồi đấy chứ. Không biết thế nào, tao lại không đi cùng đoàn xe ấy. Chắc là cãi nhau với xếp. Đoàn xe bị bom chết không còn một mống. Tao đi với đoàn xe sau. Sáu năm sau, đến ngày giải phóng mới trở về, rồi tao ở biệt Sài gòn cho tơi bây giờ. Cũng nghe nhà kể chuyện về giấy báo tử giống nhà mày nhận được. Anh Trần Hiếu chả khóc rống lên ở bộ văn hoá là gì.
-Rồi sao ?
-Chỉ thương một thằng ngày ấy không biết tin, lập bàn thờ tao suôt 30 năm.
Một ngày có cuộc gọi ở đâu đó :
- Có phải đây là số anh Kỳ không ?
- Vâng tôi đây, ai đấy ?
- Tiên sư bố nhà mày!
Rồi khóc rống lên.
-         Tôi đây, ai đấy?
Lại nhiều tiếng  của nhiêu người nữa rống lên.
-Tiên sư bố thằng Kỳ!
Té ra đám bạn cũ ở Nam định nó tưởng tao đã chết trong chuyến xe định mệnh ấy.
Ngày hôm sau tao bay ra ngay, nhìn thấy ảnh mình đã úa vàng trên bàn thờ nhà nó.Tao khóc, chúng nó lại khóc. Cả một đám mấy thằng già bạc tóc ngồi ôm nhau khóc, chẳng còn biết nói gì.
-         …..
-         Rồi  chúng nó muốn rủ tao đi kiếm vai lon mừng ngày còn sống trở về. Nhưng chẳng thằng nào có tiền cả.
-         Ôi , tiền tao đông như quân Nguyên đây. Chúng mình kiếm nhà hàng nào ngon nhất , đi.
Cả bọn im lặng.Thằng bạn tao nói nhỏ :
-Bọn tao chưa bao giờ được vào nhà hàng, làm sao biết ở đâu ngon.
 Năm đó 97 hay 98 gì đó. Nhìn những thằng bạn lính hôc hác nhớ  thương mình,  bao nhiêu năm sau hoà bình vẫn hốc hác. Thế là tao lại khóc. Rồi cả bọn lại ôm nhau khóc như trẻ con
 Lập ạ, khi đó anh chợt nhìn ra cửa sổ .
Và thấy cay mắt.

Như có nhiều ngôi sao màu cỏ úa lang thang đâu đó, đỏ mặt nhìn lại anh.
(Theo Nguyễn Quang Lập)

Không có nhận xét nào: