Thứ Sáu, 5 tháng 7, 2013

CHÓ VÀ VĂN HÓA, THỊT CHÓ VÀ THỜI ĐẠI

Hồng Ngọc












Những tranh cãi về cách chúng ta ứng xử với loài chó sẽ
không thể được giải mã nếu không dựa trên cơ sở văn hóa. Cần tôn trọng sự khác biệt, như chính giá trị của người phương Tây, nhưng người Việt chúng ta cũng cần có thái độ hòa nhập.

Loài chó và loài người

Dù phương Đông hay phương Tây, chúng ta đang có cùng một cách tiếp cận rằng con người là động vật bậc cao nhất, hơn hẳn các loài vật khác.


Từ góc độ phân loại sinh vật, thì người thuộc về lớp thú (động vật có vú), bộ linh trưởng. Chó cùng thuộc lớp thú với người, thuộc bộ ăn thịt (như mèo), nhưng là họ chó (như cáo).

Xét rằng chó chỉ cùng lớp thú, không cùng bộ, và tất nhiên là không cùng họ, thì chó không gần gũi con người hơn so với lợn, bò hay cừu, từ phương diện phân loại động vật. Cho dù chúng gần với con người hơn và tiến hóa hơn so với gà (lớp chim) hay cá (lớp cá, thấp hơn rất nhiều), những loài động vật đều được con người nuôi để đáp ứng nhu cầu khai thác làm thức ăn, đồ dùng, hay làm sức kéo, hoặc làm động vật cảnh.

Trên thực tế, tất cả chúng dù cao hay thấp, nếu được con người nuôi dưỡng thì đều "bình đẳng" với nhau ở việc phục vụ mục đích của con người, dù là ở phương Đông hay phương Tây. Bình đẳng một cách thấp kém hơn con người. Như thế thì loài chó cũng không có gì cao cấp hơn loài lợn hay thậm chí là gà.

Nhưng tại sao chó lại trở thành sự xung đột văn hóa Đông - Tây? Điểm khác biệt có tính chất then chốt là văn hóa phương Tây coi chó là bạn của con người, còn người Á Đông chỉ đơn giản coi nó là một loài động vật tinh khôn.

Đó là vấn đề đặc tính văn hóa. Các nền văn hóa phương Đông đều hình thành bên lưu vực của những con sông lớn, nơi sự màu mỡ của đất cho phép năng suất canh tác cao và con người có thể sống với mật độ cao, và yêu cầu trị thủy buộc con người phải sống tập trung. Nên sự liên hệ giữa các cư dân là gần gũi, và họ hầu như không có nhu cầu làm bầu bạn với động vật.

Văn minh phương Tây lại được hình thành ở vùng trung du có khí hậu ôn đới. Năng suất nông nghiệp vì vậy thấp hơn, và không có nhu cầu sinh sống tập trung để trị thủy nên không hình thánh sự quần cư. Con người vì vậy có cảm giác cô đơn hơn, và có nhu cầu bầu bạn cùng động vật. Trong các loài động vật nuôi thì chó tinh khôn bậc nhất, có sự thể hiện tình cảm đa dạng nhất nên trở thành loài được chọn làm bạn phổ biến nhất.
Có một sự khác biệt rất căn bản về khái niệm động vật nuôi không phục vụ nhu cầu khai thác. Người phương Tây gọi đó là vật cưng, còn người Á Đông như Việt Nam chẳng hạn, gọi là vật cảnh. Nuôi chó nếu không để giết thịt hay coi nhà thì chỉ để làm cảnh, không phải để làm bạn.

Sẽ là chủ quan nếu nói nhu cầu nào là "cao cấp" hay "văn minh" hơn.

Thịt chó: lịch sử và thời đại

Vì quan niệm chó là bạn của con người, nên tất nhiên người phương Tây xa lánh việc ăn thịt chó, còn người Á Đông thì không bị ám ảnh bởi điều đó nên... vô tư.

Cũng từ đặc điểm địa - văn hóa mà nhu cầu hình thành. Vì văn minh phương Tây trong lịch sử ít sống quần cư, nên diện tích đất có thể canh tác rộng, không được khai thác hết, cho phép các loài động vật bán hoang dã cùng sinh tồn, và có cả nguồn thức ăn dồi dào cho những loài động vật ăn cỏ, đặc biệt quan trọng là bò sữa. Vì vậy, người phương Tây không bị thiếu nhu cầu về chất đạm.

Người Á Đông, trái lại, đất canh tác bị khai thác tối đa do mật độ dân cư cao ở các vùng dân cư, làm giảm không gian sinh tồn và nguồn thức ăn cho các loài động vật khác. Nhu cầu về chất đạm thường bị thiếu, và vì vậy thịt chó - vốn được nuôi để tận dụng thức ăn thừa của người và để coi nhà - là một nguồn bổ sung đạm không thể bỏ qua.

Đặc biệt, thịt chó là thức ăn giàu đạm bậc nhất. Nó trở thành biểu tượng của thức ăn cho sinh lực đàn ông. Thịt chó đi vào văn hóa dân gian lẫn văn thơ. Những chuyện tiếu lâm dân gian luôn lấy thịt chó làm món ăn tiêu biểu cho việc phá giới của nhà sư chứ không phải là món thịt nào khác, bởi ăn thịt chó thì không chỉ phá giới cấm sát sinh mà có nguy cơ còn phá giới khác nữa!

Thịt chó đi vào cả tục ngữ ca dao, như đỉnh cao của ẩm thực dân gian:

Sống ở trên đời ăn miếng dồi chó

Chết xuống âm phủ biết có hay không?

Vì vậy, nó là một phần của văn hóa Á Đông cũng như văn hóa Việt. Nó đáng được tôn trọng, cho dù khác biệt với văn hóa phương Tây. Và như giá trị của văn hóa hóa hiện đại có nguồn gốc phương Tây, sự khác biệt cần được tôn trọng. Những công dân Việt không ăn thịt chó cũng nên hiểu điều đó, và đừng quay sang phỉ báng đồng bào mình, chỉ vì họ khác với người phương Tây.

Đó là lịch sử. Hiện tại đã đổi khác, nơi phần lớn dân cư đô thị của chúng ta không phải đối diện với tình trạng thiếu đạm trong bữa ăn nữa. Và một tỷ lệ ngày càng lớn dân cư đô thị, thậm chí những người khá giả ở nông thôn, mắc bệnh gout (gút, hay thống phong), mà nguyên nhân chính là ăn thừa đạm nhưng thiếu vận động hoặc ít phải suy nghĩ. Ai cũng biết thịt chó là kẻ thù của bệnh gout.

Ăn thịt chó cũng là vấn đề của hội nhập. Trong khi chúng ta thiếu lý lẽ đủ thuyết phục để thế giới phương Tây tôn trọng việc ăn thịt chó của người Việt, thì việc chúng ta nên làm là đừng ăn thịt chó trước mắt họ. Trật tự thế giới hiện đại, các giá trị văn hóa, các hệ thống thể chế hiện đại do người phương Tây kiến tạo, và chúng ta muốn tham dự cuộc chơi với họ thì chúng ta phải tôn trọng văn hóa của họ.

Thịt chó và trộm chó

Lợn thịt tính từ lúc mua giống đến lúc xuất chuồng chỉ nuôi trong vòng 3-4 tháng, đạt trọng lượng từ 60-100kg. Giá thịt lợn hơi tại chuồng hiện vào khoảng 40.000 đồng/kg. Vậy mà người nuôi lợn hiện đang kêu lỗ.

Chó nuôi từ lúc mua giống đến lúc có thể làm thịt ít nhất phải sau 6 tháng, đạt trọng lượng 10-20kg. giá chó hơi do các nhà hàng thịt chó nhập vào ở các tỉnh hiện khoảng 45.000 đồng/kg, tại Hà Nội đắt chừng gấp rưỡi vì chi phí vận chuyển.

Giá thức ăn cho chó không thể rẻ hơn thức ăn cho lợn, vì chó vốn là động vật ăn thịt, tiêu tốn "calo đắt" nhiều hơn. Tăng cân chậm, tốc độ quay vòng chậm, giá thấp, chi phí trên mỗi cân hơi lại cao nên không ai nuôi chó để bán thịt.

Vậy lấy chó ở đâu để đáp ứng nhu cầu cho thị trường thịt chó? Câu trả lời duy nhất: ăn trộm chó, hoặc mua chó già, chó bệnh.

Chó lại là loài vật dễ ăn trộm vì tập quán nuôi thả rông ở Việt Nam. Nó cũng là món hàng có giá trị hơn nhiều so với việc bắt trộm những con vật thả rông khác như gia cầm nuôi thả.

Vì vậy, khi chúng ta ăn thịt chó là chúng ta đang gián tiếp tạo thị trường tiêu thụ cho những kẻ trộm chó.

Trong khi đạo đức xã hội xuống cấp, thất nghiệp gia tăng, những kẻ nghiện hút ngày một nhiều (80% đối tượng trộm chó ở Nghi Lộc - Nghệ An là đối tượng nghiện hút), và các chính quyền địa phương coi trộm chó là trộm vặt, chúng ta có cách nào để ngăn chặn nạn trộm chó ngoài việc ngừng ăn thịt chó?

Không có nhận xét nào: