Thứ Bảy, 27 tháng 7, 2013

QUỐC KỲ VIỆT NAM: NHỮNG CUNG ĐƯỜNG LỊCH SỬ (P2)

Bên cạnh những chính thể có tính cách đại diện cho toàn thể cộng đồng Việt Nam thì cũng có nhiều thực thể chính trị được thừa nhận hoặc vô thừa nhận ra đời tùy bối cảnh lịch sử. Những thực thể này hầu hết không tồn tại lâu nhưng ít nhiều đóng góp cho sự phát triển của tiến trình lịch sử Việt Nam, và trước nhất chúng ta thấy rằng, việc đánh giá cơ cấu chính trị – xã hội Việt Nam phải dựa trên cái nhìn đa diện chứ không thể đứng ở hệ quan điểm này bài xích hệ quan điểm nọ.


Đèo Nàng Tơi (1914 – 2008) là vị chúa Thái cuối cùng, sau khi Khu tự trị Tây Bắc giải thể (1975) thì bà di cư sang Pháp. Dòng họ Đèo thế tập không kén chọn nam hay nữ và hiện nay hầu hết định cư tại Pháp. Bức ảnh chụp tại Hà Nội năm 1952. Thời gian tới, TTXVA sẽ có bài viết về dòng họ quyền uy này.
 1. Vương quốc Sedang (1888 – 1890)
Từ thế kỷ XIX trở về trước, Tây Nguyên còn là miền đất hoang sơ, nơi cư trú của nhiều bộ lạc gốc Mã Lai – Đa Đảo và chưa bao giờ đạt tới trình độ văn minh. Từ năm 1858 khi liên quân Pháp – Tây Ban Nha nổ súng tấn công bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng) thì các nhà thám hiểm hoặc truyền giáo Pháp mới bắt đầu tìm cách chinh phục Tây Nguyên, nhưng hiệu quả rất ít bởi sự cách trở về ngôn ngữ cũng như phong tục tập quán. Đến năm 1888, một cựu nhân viên ngân hàng người Corse tên là Marie-Charles David de Mayréna (1842 – 1890) đã mua chuộc một số tù trưởng để thành lập tại vùng đất ngày nay là Dakto một quốc gia có tên là Vương quốc Sedang (Royaume des Sedangs). Đây thực chất là một liên minh các bộ lạc lớn ở khu vực ngày nay là Kontum, Mayréna đặt cho kinh đô vương quốc là Marie Peleï (tiếng Mã Lai : Làng Marie) – nay là buôn Kongu (xã Ngọc Wang, huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum). Cư dân chủ yếu của Vương quốc Sedang là người Bahnar và Sedang (từ Sedang là đọc trại của từ Cà răng). Bản thân Mayréna tự xưng là vua Marie Đệ Nhất, ấn định Hiến pháp vương quốc, đồng thời thiết lập hệ thống biểu trưng (quốc kỳ và quốc huy, hiệu kỳ và huy hiệu hoàng gia), thậm chí đã kịp in tiền và tem (được sản xuất tại Pháp). Tuy nhiên, mục đích thực sự của Mayréna khi thiết lập vương quốc chẳng qua để ngã giá với các nước thực dân Tây Âu (vốn đang khát thuộc địa và thị trường tiêu thụ hàng hóa) ; Mayréna trực tiếp đi giao thiệp với đại diện các chính phủ Anh, Pháp nhưng việc thương lượng đổ bể. Sau đó, ông sang Bỉ tìm mua vũ khí (với giao hẹn chia sẻ nguồn tài nguyên thiên nhiên) nhằm đoạt lại quyền kiểm soát vương quốc nhưng bị hải quân Pháp chặn bắt tại Singapore (với lý do buôn lậu). Do không tìm được đường trở lại Tây Nguyên, Mayréna bỏ sang Malaysia, kết hôn và định cư trên đảo Tioman cho đến khi mất (11 tháng 11 năm 1890). Vương quốc Sedang chấm dứt sự tồn tại và những vùng đất của nó nhập vào Liên bang Đông Dương, dù sao việc ra đời quốc gia này đã mở đường cho sự truyền bá Công giáo, Tin Lành giáo vào cộng đồng Tây Nguyên vốn còn ở tình trạng nguyên thủy.
Quốc kỳ Vương quốc Sedang hình vuông, nền lam với chữ thập trắng ở chính giữa, bên trong chữ thập còn có một ngôi sao năm cánh màu đỏ.
Mã màu : #0055A4, #FFFFFF, #EF4135
2. Cộng hòa Tự trị Nam Kỳ (1946 – 1948)
Trước khi phát xít Nhật đầu hàng Đồng Minh (14 tháng 8 năm 1945), khu vực ngày nay là Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ được gọi chung là Nam Kỳ, hưởng quy chế lãnh thổ tự trị trong khối Liên bang Đông Dương (tương tự Bắc Kỳ và Quảng Châu Loan). Ngày 23 tháng 9 năm 1945, quân đội Pháp trên danh nghĩa Đồng Minh quay trở lại tiếp quản Sài Gòn (tuân thủ Hiệp ước Yalta) rồi dùng vũ lực trấn áp toàn miền. Các tổ chức chính trị (Đông Dương Tự trị Đảng, Việt Nam Tân Dân chủ Đảng, Việt Nam Dân chủ Xã hội Đảng…) và trí thức Nam Kỳ đồng loạt lên tiếng yêu cầu chính phủ Cộng hòa Pháp trao quyền tự trị cho xứ này – điều đó cũng có nghĩa là, người Nam Kỳ bấy giờ không có ý muốn gia nhập chính thể Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tháng 2 năm 1946, Ủy viên Cộng hòa Jean Marie Arsène Cédile quyết định thành lập Hội đồng Tư vấn Nam Kỳ (Conseil consultatif de Cochinchine) với 12 ủy viên (4 người Pháp, 8 người Việt Nam). Đến ngày 31 tháng 5 cùng năm thì Hội đồng Tư vấn Nam Kỳ đổi tên thành Hội đồng Nam Kỳ (Conseil de Cochinchine) với 42 ủy viên. Quan điểm của Hội đồng là liên đới mọi cá nhân hoặc tổ chức đối lập với Việt Minh thành một khối. Ngày 27 tháng 5 năm 1946, Cao ủy Đông Dương Georges Thierry d’Argenlieu đơn phương tán thành việc thiết lập một chính thể lấy tên là Cộng hòa Tự trị Nam Kỳ (République autonome de Cochinchine), thủ phủ đặt tại Sài Gòn. Ngày 1 tháng 6, một cuộc meeting nhằm ra tuyên cáo của tân chính phủ đã diễn ra tại khu vực Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn. Cộng hòa Tự trị Nam Kỳ hưởng quy chế ngang hàng với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa – tức là tự trị trong khuôn khổ Liên bang Đông Dương thuộc Pháp.
Cộng hòa Tự trị Nam Kỳ là một chính thể đại nghị chế, đứng đầu trên danh nghĩa là Cao ủy Đông Dương, quyền điều hành thuộc về Thủ tướng và Nội các. Chính thể này thành lập giữa lúc tình thế chính trị Nam Kỳ diễn biến phức tạp, các phe phái đua nhau cát cứ và trong nội bộ chính phủ thì có sự chia rẽ. Chỉ trong 3 năm (1946-1947-1948) đã có 3 Thủ tướng thay phiên nhau chấp chính : Nguyễn Văn Thinh (tự sát ngày 10 tháng 11 năm 1946), Lê Văn Hoạch, Nguyễn Văn Xuân. Cộng hòa Tự trị Nam Kỳ thực chất là một chính thể thành lập vội vã, kết cấu chính quyền chưa hoàn chỉnh và cũng không nhận được sự tán thành của đông đảo quần chúng. Sau Thỏa ước Élysées (được ký kết bởi Tổng thống Pháp Vincent Auriol và cựu hoàng Bảo Đại) và một cuộc biểu quyết tại Quốc hội Nam Kỳ, ngày 2 tháng 6 năm 1948, Cộng hòa Tự trị Nam Kỳ giải thể, lãnh thổ của nó sáp nhập trở lại với Bắc Kỳ và Trung Kỳ để sang năm 1949 thì chính thể Quốc gia Việt Nam ra đời.
Quốc kỳ Cộng hòa Tự trị Nam Kỳ là lá cờ vàng ba sọc lam, tỉ lệ 2/3 với nền vàng và năm sọc ngang – hai sọc trắng chen giữa ba sọc lam. Ba sọc lam tượng trưng cho ba dòng sông lớn chảy tràn trên đất Nam Kỳ : Đồng Nai, Tiền Giang, Hậu Giang. Hiện nay, nguồn tư liệu về lá cờ này ở không nhất quán : Có tài liệu nói rằng, giữa ba sọc lam là hai sọc trắng – nhưng cũng có tài liệu khẳng định giữa ba sọc lam là hai sọc vàng. Chi biết rằng, đương thời báo giới giễu nhại nó là “cờ sốt rét”.
Mã màu : #FFFF00, #0055A4, #FFFFFF
Hiệu kỳ xứ Nam Kỳ thuộc Pháp (1867 – 1945) :
Mã màu :  #FFD700, #000000
3. Sip Song Chau Tai (1948 – 1955)
Từ xưa, vùng Tây Bắc là địa bàn cư trú của nhiều dân tộc thiểu số di cư từ cao nguyên Vân Quý (Trung Quốc), nhưng mạnh nhất và giữ vai trò thống trị lâu nhất là người Thái (hình thành trong khoảng thế kỷ VII – XIII). Suốt từ thế kỷ XIII đến nửa đầu XIX, các chúa Thái vừa lo bình định trong ngoài vừa kiến tạo cơ sở vật chất cho mình, nguồn lợi chủ yếu có được là do buôn bán thuốc phiện với các khu vực lân cận. Do cương vực là nơi giao thoa của nhiều quốc gia, các thủ lĩnh người Thái đã củng cố thế lực bằng chính sách ngoại giao rất khôn khéo (lúc nhu lúc cương, khi liên kết với Ai Lao chống Đại Việt, khi kết giao với Đại Việt chống Trung Hoa…) và trong nội bộ dân tộc Thái cũng tồn tại những luật lệ không quá hà khắc, tỏ ra công bằng giữa người nam và người nữ. Từ năm 1431 nổi lên thế lực của dòng họ Đèo (thủy tổ là Đèo Cát Hãn) thuộc nhóm Thái Trắng (Táy Khao) – cũng từ triều Lê sơ trở đi, các thủ lĩnh Thái được gọi là phìa tạo (p’tao), được quyền thế tập, có lãnh địa và hệ thống chức sắc riêng, những vẫn phải phụng cống xưng thần với triều đình Đại Việt. Đến khoảng năm 1841, Đế quốc Xiêm La bình định xong các tiểu quốc Lào và trở thành nguy cơ đối với quyền lực của các chúa Thái, dòng họ Đèo buộc phải khẩn cầu sự trợ lực của triều Nguyễn. Đáp lại, Hoàng đế Minh Mạng kết hợp ba châu Ninh Biên, Tuần Giáo, Lai Châu thành phủ Điện Biên và cử quân đội người Kinh lên đó đồn trú.
Sau khi Đế quốc thực dân Pháp xâm nhập và bình định xong Bắc Kỳ, vào năm 1890, Thống đốc Pháp tại Luang Prabang là Auguste Jean-Marie Pavie (1847 – 1925) đã kiến nghị với chính phủ Cộng hòa Pháp công nhận chúa Đèo Văn Trị là thủ lĩnh hợp pháp của vùng Tây Bắc – từ lúc này được gọi là Sip Song Chau Tai (สิบสองเจ้าไต, Mười hai xứ Thái). Triều Nguyễn cũng sắc phong Đèo Văn Trị chức tri châu, được quyền thế tập để cai quản đạo Lai Châu (trước đó gọi là phủ Điện Biên). Từ năm 1947, cuộc chiến tranh Đông Dương bùng nổ và diễn biến phức tạp, với mục đích cô lập lực lượng Việt Minh, chính phủ Pháp quyết định tách Sip Song Chau Tai khỏi Bắc Kỳ và ngày 1 tháng 1 năm 1947, Liên bang Thái Tự trị (Fédération Taï) được thành lập với thủ phủ đặt tại nơi ngày nay là thị xã Mường Lay. Liên bang Thái là lãnh thổ ủy trị của Liên hiệp Pháp, bao gồm 16 châu hợp thành. Điều thú vị là, kết cấu chính quyền Liên bang Thái đảm bảo tam quyền phân lập rất rõ : Đứng đầu xứ là lãnh chúa xuất thân từ dòng họ Đèo, cơ quan lập pháp là hội đồng đại biểu các châu với nhiệm kỳ 4 năm, cơ quan hành pháp có chủ tịch do các đại biểu tri châu bầu lên với 2/3 số phiếu và nhiệm kỳ 5 năm, tư pháp thì chiểu theo tập tục cổ truyền. Ngày 1 tháng 7 năm 1948, Liên bang Thái Tự trị đổi tên thành Khu tự trị Thái và sang năm 1949 thì trở thành một phần của Quốc gia Việt Nam. Vào ngày 29 tháng 4 năm 1955, Chủ tịch Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (Hồ Chí Minh) đã ra Sắc lệnh số 230/SL thành lập Khu tự trị Thái – Mèo với 17 châu trên cơ sở Khu tự trị Thái và một số vùng trực thuộc Liên khu Việt Bắc. Năm 1962, Khu tự trị Thái – Mèo đổi tên thành Khu tự trị Tây Bắc và tồn tại đến ngày 27 tháng 12 năm 1975 thì giải thể, quyền lực của các chúa Thái cũng chấm dứt.
Cờ hiệu của Sip Song Chau Tai được ấn định vào ngày 4 tháng 3 năm 1948, tỉ lệ 2/3 với sọc trắng chen giữa hai sọc lam, chính giữa sọc trắng có thêm ngôi sao đỏ 16 cánh (ban đầu là 12 cánh). Kết cấu lá cờ dựa trên quốc kỳ Cộng hòa Pháp, màu sắc lấy từ trang phục lễ hội của phụ nữ Thái Đen (Táy Đăm), ngôi sao 16 cánh tượng trưng cho 16 châu liên minh. Trong khoảng từ 1946 đến 1949, lá cờ này được sử dụng làm chiến kỳ của binh sĩ người Thái trong quân đội Pháp. Năm 1954, khi quân đội Pháp thất trận tại Điện Biên Phủ thì lá cờ này chấm dứt vai trò biểu tượng.
Mã màu : #0055A4, #FFFFFF, #EF4135
4. Cộng hòa Tây Nguyên và Champa (1964 – 1965)
Sau khi chính thể Đệ nhất Cộng hòa Việt Nam sụp đổ (2 tháng 11 năm 1963), nội trị Việt Nam Cộng hòa trở nên biến động khôn lường. Chịu trách nhiệm lãnh đạo quốc gia lúc này là Hội đồng Quân nhân Cách mạng, nhưng do thiếu kinh nghiệm chính trị cũng như cách giải quyết các khúc mắc xã hội nặng nề tính cách nhà binh, những mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo được dịp bùng phát. Bên cạnh đó là sự dính líu của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam trong các hoạt động khủng bố, chia rẽ. Ngày 20 tháng 9 năm 1964, tại Phnompenh, dưới sự chủ tọa của quốc vương Campuchia Sihanouk, Mặt trận Thống nhất Đấu tranh của các Sắc tộc bị Áp bức (Front Uni de Lutte des Races Opprimées, FULRO) được thành lập, bao gồm :
- Mặt trận Giải phóng Champa (Front de Libération du Champa, FLC), còn gọi là FULRO Chăm, do Lès Kosem lãnh đạo.
- Mặt trận Giải phóng Campuchia Krom (Front de Libération du Kampuchea Krom, FLKK), còn gọi là FULRO Khmer, do Chau Dera làm đại diện.
- Mặt trận Giải phóng Cao Nguyên (Front de Libération des Hauts Plateaux, FLHP), còn gọi là FULRO Thượng, do Y Bham Enuol chỉ huy.
Mục tiêu của tổ chức này là giành quyền tự quyết cho các sắc tộc Thượng, Chăm, Khmer bằng bạo động vũ trang. Bởi vậy, vào ngày 29 tháng 7 năm 1964, một toán 200 tay súng FULRO từ Campuchia về chiếm giữ Buôn Briêng (Darlac) và kết nạp thêm 181 thành viên. Ngày 15 tháng 10 năm 1964, đại hội các sắc tộc Thượng được triệu tập tại Pleiku nhằm đề ra chính sách hỗ trợ cho đời sống người Thượng. Đến ngày 17 tháng 10 cùng năm, một chính quyền có tên là Cộng hòa Tây Nguyên và Champa (République des Highlands et Champa) được thành lập, thủ phủ đặt tại Pleiku. Chính quyền này được lập ra với sự chấp thuận của chính phủ Hoa Kỳ, tự coi là đại diện chính trị cho hai sắc tộc Thượng và Chăm song không có đường biên cũng như hệ thống cơ quan hành chính, thực lực quân sự cũng không đảm bảo. Sang năm 1965, Hội đồng Quân nhân Cách mạng cử đại diện là Trung tướng Nguyễn Khánh đàm phán với các lãnh tụ FULRO. Ngày 2 tháng 8 năm 1965, một tuyên cáo chung về hợp tác Kinh – Thượng được công bố, nội dung căn bản là :
Kinh Thượng bình đẳng và đoàn kết thật sự
Tôn trọng phong tục, tập quán của đồng bào Thượng
Đặc biệt nâng đỡ đồng bào Thượng theo kịp đà tiến bộ của Dân tộc
Tuyên cáo này cũng có thể xem như sự cáo chung của một chính quyền không có thực lực. Trong hai năm tồn tại, Cộng hòa Tây Nguyên và Champa sử dụng lá cờ như sau :
Mã màu : #0055A4, #EF4135, #009246, #FFFFFF
Nửa bên trái là ba sọc lam – đỏ – lục trích từ hiệu kỳ FULRO, nửa bên phải là nền trắng với biểu tượng Hồi giáo (trăng lưỡi liềm) ở chính giữa  - màu đỏ và màu trắng phỏng theo trang phục truyền thống của dân tộc Chăm. Tổng thể lá cờ toát lên ý chí đoàn kết vì mục tiêu chung của các sắc tộc Thượng và Chăm.
5. Cộng hòa Champa (1965)
Ngay từ thời điểm thành lập, nội bộ FULRO luôn dao động giữa chủ hòa và chủ chiến. Y Bham Enuol chủ trương giành quyền tự trị cho Tây Nguyên bằng giải pháp thương lượng, đồng thời quan tâm nâng cao chất lượng đời sống của các sắc tộc Thượng ; Y Dhon Adrong chủ trương giành độc lập cho ‘Tây Nguyên bằng bạo động vũ trang. Sau khi tuyên cáo về hợp tác Kinh – Thượng được công bố, chính quyền Cộng hòa Tây Nguyên và Champa cũng giải thể, nội bộ FULRO mâu thuẫn dữ dội vì phe chủ chiến không chấp nhận giải pháp này. Khoảng tháng 7 năm 1965, Mặt trận Giải phóng Champa đơn phương thành lập tại Phan Rang (Ninh Thuận) một chính quyền có tên là Cộng hòa Champa (République du Champa), Lès Kosem (bấy giờ mang cấp hàm Thiếu tá Nhảy dù trong Quân đội Hoàng gia Campuchia) tự xưng là Tổng thống và tuyên bố phục quốc Champa. Tuy nhiên, chính quyền này không được công nhận và cũng không có thực lực nên chỉ tồn tại một thời gian rất ngắn.
Quốc kỳ Cộng hòa Champa là hiệu kỳ của Mặt trận Giải phóng Champa (tỉ lệ 2/3).
Mã màu : #0055A4, #FFFFFF, #EF4135
6. Cộng hòa Miền Nam Việt Nam (1969 – 1976)
Biến cố Tết Mậu Thân (1968) đã khiến Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam trở thành cái tên được công luận quốc tế quan tâm. Để tận dụng sức hút đối với phong trào phản chiến thế giới, Đảng Lao động Việt Nam chỉ thị Trung ương Cục miền Nam tổ chức Đại hội Đại biểu Quốc dân miền Nam Việt Nam tại chiến khu Tây Ninh, tham dự Đại hội là các cá nhân và tổ chức Việt Nam Cộng hòa có cảm tình với Mặt trận Dân tộc Giải phóng. Tại Đại hội, từ ngày 6 đến ngày 8 tháng 6 năm 1969, hai tổ chức Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và Liên minh các Lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hòa bình Việt Nam đã bầu ra một ban lãnh đạo chung – được gọi là Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam – đứng đầu là kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát (Chủ tịch lâm thời), trực tiếp cầm quyền là Đảng Nhân dân Cách mạng Việt Nam (vốn là phân bộ phía Nam của Đảng Lao động). Tuy mặc định toàn bộ vùng đất từ vĩ tuyến 17 đến mũi Cà Mau là lãnh thổ Cộng hòa Miền Nam Việt Nam, nhưng thực tế lúc này thuộc quyền quản lý của chính thể Đệ nhị Cộng hòa, thủ phủ của Cộng hòa Miền Nam Việt Nam là chiến khu Tây Ninh. Đến 30 tháng 4 năm 1975 khi Việt Nam Cộng hòa cáo chung thì chính phủ Cộng hòa Miền Nam Việt Nam dời về Sài Gòn. Từ ngày 24 tháng 6 đến ngày 3 tháng 7 năm 1976, Quốc hội nước Việt Nam thống nhất họp khóa đầu tiên đã tuyên bố xóa bỏ khu DMZ vĩ tuyến 17 và đặt quốc hiệu là Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đồng nghĩa Cộng hòa Miền Nam Việt Nam (cùng với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa) giải thể, Sài Gòn cũng được đổi tên là thành phố Hồ Chí Minh. Mặc dù có sự tổ chức hành chính rất bài bản, song chính phủ Cộng hòa Miền Nam Việt Nam chịu sự chi phối của Trung ương Đảng Lao động trong mọi quyết sách chính trị – ngoại giao – quân sự và thực tế cũng tự coi là chính quyền ủy trị của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, cho nên Cộng hòa Miền Nam Việt Nam không đại diện cho bất cứ cộng đồng nào mà chỉ nên xem là giải pháp chính trị của Đảng Lao động Việt Nam trong bối cảnh tương tranh Nam-Bắc.
Quốc kỳ Cộng hòa Miền Nam Việt Nam là hiệu kỳ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng, tỉ lệ 2/3 với nửa trên màu đỏ và nửa dưới màu xanh, chính giữa là ngôi sao vàng năm cánh. Lá cờ này sao phỏng từ quốc kỳ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nửa đỏ thể hiện miền Bắc Xã hội chủ nghĩa, nửa xanh thể hiện miền Nam đang còn chiến tranh và chưa hợp nhất, ngôi sao vàng thể hiện tinh thần đoàn kết của 5 giai cấp chính yếu trong xã hội Việt Nam.
Mã màu : #CC0000, #FFFF00, #0099FF
MỘT SỐ HÌNH ẢNH
Lá cờ xứ Nam Kỳ (hình in trên bưu thiếp), sử dụng trong các lĩnh vực quân sự và thương mại.
Lá cờ xứ Nam Kỳ – hình in trên bưu thiếp chào mừng Hội chợ triển lãm quốc tế Paris (1900).
Lá cờ xứ Nam Kỳ (hình in trên vỏ hộp thuốc lá).
Lá cờ ba sọc xanh trên huy hiệu Vệ binh Cộng hòa Nam Kỳ (Garde Républicaine Cochinchinoise).
Lá cờ Sip Song Chau Tai trên huy hiệu.
Lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam – từ 1969 trở thành quốc kỳ Cộng hòa Miền Nam Việt Nam.
Lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam do một tiểu đội trinh sát Hoa Kỳ tóm được vào ngày 6 tháng 2 năm 1968.

Theo ttxva.org

Không có nhận xét nào: