Năm 1989, chia tỉnh mình theo anh Tường (Hoàng Phủ Ngọc Tường) về Quảng Trị. Hội Văn nghệ thì đóng ở thị xã Đông Hà nhưng mình và anh Tường đều ghét ở Đông Hà, cả hai đều phản đối việc tỉnh chọn Đông Hà làm tỉnh lị, bèn về thị xã Quảng Trị, xin một dãy nhà cấp bốn của thị xã làm trụ sở tạp chí Cửa Việt.
Anh Trần Quốc Vượng đi khảo cổ, ghé qua, chắp tay sau đít đi đi lại trước cửa tạp chí, gật gù khen, nói ông Tường, ông Lập đếch biết gì về long mạch mà chọn cái nhà này hay ghê, vượng lắm đây.
Anh Tường nghe nói vậy thì mừng lắm, nhờ anh Vượng chọn cho cái phòng nghỉ của anh, anh Vượng chọn phòng cuối dãy, anh nói hướng Tây Bắc hợp mạng ông Tường.
Cái phòng ấy vừa làm phòng khách, vừa làm phòng nghỉ của anh Tường, cứ một tháng đôi lần anh từ Huế ra làm việc và nghỉ lại.
Tháng đầu anh ở phòng ấy không thấy anh nói gì, hỏi thì khen, nói mác lắm, máclắm.
Một đêm, khoảng gần sáng anh sang nhà mình gõ cửa hỏi xin nước. Mình nói nước chúng nó để cả phích đầy, anh uống hết rồi à. Anh không nói, ngồi một lúc lâu, mân mê cái mụn ruồi to đùng dưới cằm, miệng lẩm bẩm điều gì rất khó hiểu. Chợt anh nói Lập có rượu không, cho mình một chén. Mình lôi rượu ra, hai anh em ngồi hành lang uống.
Anh Tường trầm ngâm nhấp rượu, hồi lâu mới hỏi Lập ở đây lâu có thấy chi không. Mình nói không. Anh nói mình cũng rứa, nhưng hồi nãy thì sợ quá. Mình hỏi sao. Anh nói khoảng hai giờ sáng mình mở mắt thấy một anh bộ đội đứng sát giường luôn. Minh hỏi ai đó, anh vẫn đứng yên. Mình bật dậy thì anh đó biến mất.
Mình cười nói chắc anh chiêm bao, có những giấc chiêm bao nó kéo dài đến khi mình tỉnh hẳn hoi cả hơn một giờ. Anh nói mình cũng đinh ninh rứa, cứ ngủ lại thôi, nhưng hồi nãy thì lạ quá. Mình ra sau hồi nhà đi tiểu, vào phòng thì thấy đúng anh bộ đội đó đang đứng cạnh giường mình. Mình hỏi chi rứa anh? Chưa hỏi xong câu thì anh đó biến mất.
Mình im lặng, động viên anh Tường mấy câu, nhưng trong bụng không tin. Hôm sau anh Tường vào Huế, mình ra phòng đó ngủ xem thế nào, ngủ cả tuần chẳng thấy gì.
Tháng sau anh Tường ra, mình nói em nằm cả tuần chẳng thấy chi. Anh Tường nói cũng có thể mình ám ảnh chiến tranh nhiều quá, thành ra rứa.
Tối đó uống rượu say, anh ngủ ngon, mình hỏi anh có thấy chi không, anh nhăn răng cười, nói toàn thấy chó lẹo chắc.
Tối sau đúng ba giờ 15 sáng, mình nhớ chính xác vì khi đó đang viết, vừa nhìn đồng hồ, định tắt đèn đi ngủ thì nghe tiếng anh Tường gọi Lập ơi mau lên! Mình vọt sang phòng anh.
Anh Tường ngồi chồm hổm giữa nền nhà, đèn bật sáng choang. Mình hỏi răng, anh lại thấy à? Anh nói thấy, chút nữa mình cầm được tay anh đó.
Hai anh em pha trà ngồi uống. Anh nói mình ngủ một giấc, mở mắt thấy anh bộ đội đó đứng cạnh giường. Lần ni mình im lặng vờ như ngủ, rồi bất thần vùng dậy chộp tay. Chộp được rồi chớ, kêu Lập đó, vừa kêu xong thì anh đó cũng biến mất.
Hai anh em nhìn nhau chẳng biết nói gì.
Rất nhiều đêm sau anh Tường không thấy gì cả, có đến nửa năm anh Tường ngủ ngon giấc nhưng anh lại buồn, anh nói tại mình làm rứa, anh sợ anh đi rồi.
Chị Hương (Dương Thu Hương) từ Hà Nội về nhà mình chơi, mình hỏi chị thích ngủ nhà em hay ngủ phòng khách. Chị nói tao ngủ phòng khách, để vợ chồng chúng mày tự do, tao thì gìàu tưởng tượng, ở nhà vợ chồng trẻ khó ngủ lắm.
Chị ngủ phòng khách đêm đầu không thấy gì. Đêm sau chị đập cửa rầm rầm, mở cửa, chị ào vào nói mày cút sang phòng mấy đứa trẻ con ngủ, để tao ngủ với Hồng.
Mình hỏi chị thấy gì à? Chị kể tao vừa mở mắt thì thấy một anh bộ đội đứng cạnh giường. Lúc đầu tưởng thằng bố láo nào, chực đạp một phát cho dập của bố nó đi. Không ngờ tao chực co chân đạp thì anh ấy đã biến mất. Tao ra kiểm tra lại cửa ngõ, khoá chặt, bật đèn sáng trưng, cả bốn cái đèn bật hết. Chưa ngủ, vừa nhắm mắt thôi, mở mắt đã thấy anh bộ đội đứng cạnh giường. Tao chồm dậy thì anh ấy lại biến mất.
Chị Hương ngồi thừ, nói tao cũng không biết tâm trạng tao thế nào nữa, vừa sợ vừa thương, hay sao a… rất khó nói.
Hôm Bảo Ninh với thằng Nguyên (Phạm Xuân Nguyên) vào chơi, chúng nó cũng ngủ lại phòng đó. Mình kể chuyện anh Tường và chị Hương thấy ma cho chúng nó nghe. Bảo Ninh cười khẹc khẹc, nói mày lại nghe mồm ông Tường, bà Hương, mày có đảng viên không đấy hả hả!
Đêm đó uống rượu đến bốn giờ sáng mới ngủ. Mình quá giấc đang nằm thao thức thì nghe tiếng thằng Nguyên gọi. Mình ra mở cửa, thấy Bảo Ninh và Phạm Xuân Nguyên, hai thằng đứng dúm dó, mặt xanh như đít nhái. Bảo Ninh lầu bầu nói mẹ, ông đếch ngủ phòng đó nữa... mẹ, ông đếch ngủ phòng đó nữa. Mình hỏi sao, thằng Nguyên nói tụi tao thấy anh bộ đội đúng như mày kể.
Bảo Ninh gằn gằn, nói mẹ, cả hai thằng cùng thấy nha, không mày lại bảo bố mày nói láo.
Mình ngạc nhiên vô cùng.
Tối sau Bảo Ninh nói mày cút sang phòng khách ngủ để tụi tao ngủ đây. Mình cười nói các ông hay nhỉ, tôi sang ngủ với ma còn các ông về ngủ với vợ tôi à?
Bảo Ninh cười khì khì nói ờ nhỉ, quên quên.
Nói cho vui chứ tối đó mình cùng hai thằng sang phòng khách ngủ với Bảo Ninh và Phạm Xuân Nguyên cho vui, nếu có thấy thì thấy một lần cho biết.
Ba thằng uống rượu nói phét tới khuya, nói đi nói lại mỗi chuyện văn học phản ánh của anh Sử (Trần Đình Sử), văn học nghiền ngẫm của anh Trà (Lê Ngọc Trà). Mình nói anh Sử anh Trà cãi nhau bất phân thắng bại, tại sao không đề xuất văn học phản nghiền, anh nào cũng có phần, khỏi phải cãi nhau.
Ba thằng sướng cái văn học phản nghiền, tán nhăng tán cuội mãi, rồi ngủ. Vừa chợp mắt Bảo Ninh bỗng vùng dậy hét vang, nói mẹ thằng Lập nha! Mình ngồi dậy hỏi sao. Bảo Ninh nghiến răng dơ nắm đấm đe đe: Mày sờ tao. Mình cười phì nói bộ tôi không có sao phải sờ ông.
Bảo Ninh nói hay thằng Nguyên, đúng rồi thằng Nguyên. Thằng Nguyên vùng dậy ngơ ngác hỏi cái gì cái gì. Mình nói nghi ai lại nghi thằng Nguyên, của vợ nó… nó còn nhác sờ nữa là cái thứ của ông.
Bảo Ninh ngồi ngơ ngẩn nói rõ ràng có thằng sờ tao mà, tao đã ngủ đâu. Nó còn bóp một cái cực mạnh nữa mà.
Mình và thằng Nguyên chả tin, không thèm nói lại.
Bảo Ninh lại lôi rượu ra uống một mình, cứ lẩm bẩm hay là ông bộ đội hôm qua? Không, cái kiểu sờ không phải vuốt ve, nó có vẻ hận thù tao lắm. Hay là mấy tay lính cộng hoà?
Thằng Nguyên kêu lên thôi ngủ đi ông ơi! Bảo Ninh vừa chui vào màn vừa cằn nhằn hay là vợ thằng Lập sang sờ tao hì hì. Chẳng ai thèm nói lại, Bảo Ninh nằm im, rồi ngủ.
Bảo Ninh có rượu vào nó ngủ giống y chang một cuộc chiến tranh. Gằn gằn, gừ gừ, chóp chép miệng, bất chợt đập tay đánh chân, bất chợt gầm lên tao bắn hết, tao giết hết.
Mình không sao ngủ được, cố nằm im cho chúng nó ngủ. Chợt thằng Nguyên đập đập tay, nói Lập Lập mày ngủ chưa? Mình nói chưa, sao. Nó nói đúng là có ngườì sờ mày ạ. Nó cũng bóp tao một cái cực mạnh. Mình nói lạ nhỉ, sao nó không sờ tao. Thằng Nguyên ngồi dậy thẫn thờ nói tao cũng không biết nữa, nhưng có người sờ tao thật. Tao đã ngủ đâu.
Hai thằng ngồi dậy vừa rượu vừa trà cho đến sáng, nghĩ mãi không hiểu vì sao ma lại đi mò thế nhỉ.
Mình kể cho vợ nghe, vợ mình nói em kể cho chị Lí rồi, chị nói chắc là hồn ma anh Thỉ.
Anh Thỉ là tên chồng chị Lí, hi sinh năm 1972 ở thành cổ thị xã Quảng Trị. Khi đó chị Lí đang ở Thanh Hoá, mới 25 tuổi, chưa con. Hoà bình, chị vào thị xã Quảng Trị, tìm kiếm cả năm không thấy hài cốt anh Thỉ đâu, có người nhận chị vào công ti lương thực, chị ở lại làm ăn đây luôn, không ra quê nữa.
Chị nói chẳng phải ở quê không có việc, chị đang là kế toán trưởng công ti lương thực ngoài đó chớ, tự dưng vào đây không thích ra nữa, thấy cái căn hộ ở đây người ta để lại, ruột gan tự dưng nóng cồn cào, vay tiền mua cho bằng được. Bao nhiêu nhà rẻ không mua, cứ muốn mua cho được căn hộ đây thôi. Có khi anh Thỉ xui chị.
Ngày nào chị cũng nhắc anh Thỉ, anh Thỉ. Hễ sang chơi, câu trước câu sau là anh Thỉ liền.
Vợ mình kể chuyện ma ở phòng khách, chị mừng lắm, nói có khi anh Thỉ đó. Chị chạy mời thầy mời thợ cúng vái cả đêm. Thầy điểm huyệt gần giếng, đào lên chẳng thấy gì, chỉ thấy một khẩu AK gỉ rét.
Chị buồn, khóc, nói không phải anh Thỉ, nếu là anh Thỉ tại sao không hiện hồn cho chị thấy, cứ hiện hồn cho mấy người đâu đâu.
Nói vậy nhưng thỉnh thoảng chị lại sang hỏi anh Thỉ có hiện hồn nữa không? Vợ mình nói có, nhưng toàn nghe mấy ông kể ma sờ họ thôi. Chị cười nói không có đâu, mấy ông bịa đó, anh Thỉ hiền lành nghiêm túc lắm.
Anh Tường từ Huế ra, vẫn ngủ ở phòng khách, nhiều tháng không nói gì, một hôm mình hỏi anh ngủ đấy, có thấy hiện tượng ai đó sờ mình không? Anh ngạc nhiên nói răng ông biết? Mình kể chuyện Bảo Ninh và thằng Nguyên bị ma sờ.
Anh ngồi yên, cười khậc một tiếng nói rứa mà mình tưởng mụ Lí nhà bên ngứa nghề mò sang sờ mình. Mình đang nghĩ bụng mụ ni tìm sai địa chỉ.
Anh kể nó sờ nhiều lần lắm, vuốt vuốt nữa, hay lắm, giống đàn bà làm chớ không phải đàn ông. Mình cười nói có khi con ma đó là pê đê.
Nửa năm sau Hoà Vang và Nguyễn Lương Ngọc đi bộ xuyên Việt ghé qua thăm mình, nghỉ lại hai ngày. Việc hai ông này đi bộ nhanh hơn ô tô nhiều chuyện vui lắm, nhưng hai ông về trời rồi, tha. Hi hi.
Mình không kể chuyện ma cho Hoà Vang, Nguyễn Lương Ngọc nghe, sợ chúng nó sợ.
Sáng trước khi đi, Hoà Vang cầm tay mình ra sau hồi nhà nói thầm vẻ quan trọng: Tôi nói ông, ông đừng nói lại thằng Ngọc nghe chưa. Thằng Nguyễn Lương Ngọc là một pê đê chính hiệu. Mình hỏi sao ông nói vậy. Hoà Vang nói nó sờ soạng tôi cả đêm. Tôi đã nằm riêng ra rồi, nó vẫn mò tới sờ soạng.
Mình gọi ra riêng Nguyễn Lương Ngọc, giả làm bộ nghiêm trọng, nói này Hoà Vang có sờ soạng ông không? Nguyễn Lương Ngọc ngạc nhiên nói sao ông biết. Mình nói Hoà Vang là một pê đê chính hiệu. Nguyễn Lương Ngọc kêu to: Thôi đúng rồi, tôi cũng nghi mà không dám nói, hắn sờ tôi cả đêm.
Mình cười, nói cho hai thằng nghe chuyện anh Tường, Bảo Ninh, thằng Nguyên bị ma sờ, cả hai trợn tròn mắt, xanh mặt, bảo ở lại một đêm nữa, không ở, đi luôn.
Cuối năm đó bỗng nhiên chị Lí chạy sang hớn hở đưa cho vợ chồng mình cái nhẫn bạc đã gỉ rét, nói anh Thỉ đây rồi! Mình hỏi sao. Chị nói đây là cái nhẫn chị tặng anh trước khi vào Nam. Hồi đó nghèo, chỉ kiếm được cái nhẫn bạc thôi, khắc đôi bồ câu rồi tặng anh. Vợ mình nói chị kiếm được ở đâu. Chị nói thằng Líp nhà em đó, chị thấy nó cầm chơi, hỏi nó, nó bảo nó thấy trên cỏ.
Vợ chồng mình chạy đi tìm thằng Líp, hỏi nó con tìm thấy cái nhẫn này ở đâu. Thằng Líp mới bốn tuổi, lúc cúc chạy ra đầu hồi trụ sở toà soạn, chỉ tay nói chỗ ni nì.
Ở cái nơi thằng Líp chỉ là một cái lỗ nhỏ bằng đồng xu, năm sáu đường kiến lửa, kiến hôi từ nhiều hướng bò vào cái lỗ đó. Mình nói có khi hài cốt anh Thỉ dưới này cũng nên.
Chị Lí mời thầy cúng vái rồi đào. Bộ hài cốt hiện ra. Chị Lí oà khóc. Chị thắp một nắm hương nói có phải anh Thỉ thì hoá! Nắm nhang trong tay chị cháy bùng. Chị hét lên sung sướng đây rồi, chồng tôi đây rồi.
Mấy người đào phát hiện còn một bộ hài cốt nữa. Nhìn cái thế hài cốt mấy người đào phán đoán bộ hài cốt còn lại phía dưới khả năng là một lính cộng hoà. Họ nói khả năng hai ngươì này vật nhau, bóp cổ nhau, rồi chết cả hai.
Chị Lí nói thôi thôi đừng đoán bậy, chẳng may là đồng đội anh Thỉ thì sao? Nói vậy rồi người ta không cho vào nghĩa trang liệt sĩ, tội nghiệp.
Bỗng một người kêu lên, nói đây là hài cốt con gái. Anh này chìa ra một cái kẹp thép không rỉ và hai ba cái cúc sứ, màu hồng, đúng là cúc áo con gái.
Chị Lí rơi xuống ngồi bệt, mặt trắng bạch.
Một người đào nói è he, hai đứa ni rủ nhau ra đây vân vân, trúng bom chết thôi, đánh đấm chi mô. Người nói xưa trai gái cùng nhau một hầm chiến đấu là chuyện thường, đừng có nghĩ tào lao. Người nói chiến đấu cái chi, trai trên gái dưới mà chiến đấu cái chi, chắc rủ nhau ra đây vân vân rồi trúng bom thôi…
Chị Lí chồm lên, hét một tiếng rợn người, nói câm mồm đi!
Chị Lí đem hài cốt anh Thỉ ra nghĩa trang liệt sĩ Quảng Trị, chôn cất đàng hoàng, cúng viếng tử tế, đúng trăm ngày. Sau đó chị bán nhà ra Thanh Hoá không bao giờ trở lại nữa
NQL
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét