Thứ Sáu, 26 tháng 7, 2013

MỘT BÀI THƠ NGẮN CÓ NHIỀU DỊ BẢN

Nhân dịp 27/7 đăng lại câu chuyện một bài thơ hay

Lê  Bá Dương thời trẻ

Một bài thơ chỉ vỏn vẹn có 4 câu, thế mà lại có khá nhiều dị bản. Điều đó chứng tỏ bài thơ đã tạo được sự đồng cảm nơi người đọc đồng thời có sức lan tỏa trong công chúng... Nhưng tình trạng “tam sao, thất bổn” đã gây khó khăn cho nhiều người muốn sưu tầm thơ hay. Nhiều bạn đọc gửi thư cho chúng tôi hỏi về bản gốc của bài thơ này, chúng tôi đã liên lạc với tác giả bài thơ để hình thành bài viết này như một cách để trả lời bạn đọc...

Tác giả bài thơ Lời gọi bên sông là nhà báo Lê Bá Dương (phóng viên Báo Văn hóa thường trú tại miền Trung và Tây Nguyên), anh từng là bộ đội lăn lộn ở chiến trường Quảng Trị (từ năm 1968 - 1973). Sau chiến tranh, kể từ năm 1976, năm nào anh cũng có đôi ba lần về lại chiến trường xưa thắp hương, thả hoa cho đồng bào, đồng đội. Cũng chính từ việc làm của anh mà ở Quảng Trị đã hình thành lễ hội truyền thống Thả hoa trên sông vào mỗi dịp lễ kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27.7) hằng năm...

* Xin anh giới thiệu xuất xứ bài thơ Lời gọi bên sông một cách... chính xác nhất ?
- Bài thơ được “viết” vào chiều ngày 27.7.1987. Chữ “viết” tôi để trong ngoặc kép vì cái cách làm thơ câu chữ chợt đến trong đầu, nhớ nhập tâm rồi sau này tiện lúc nào thì viết thành chữ vào nhật ký, sổ tay và bài thơ Lời gọi bên sông cũng có cùng cách viết như vậy. Hôm đó thả hoa cho đồng đội xong, tôi một mình ngồi lặng lẽ bên bờ sông Thạch Hãn, chợt thấy những chiếc thuyền đang ngược dòng lên chợ Quảng Trị. Nhìn những mái chèo đang hối hả khuấy tung bọt nước, chạnh lòng nghĩ đến bạn bè, đồng đội vẫn còn gửi thân xác vào đáy sông mà xót xa. Cứ vậy, từng lời như từ lồng ngực tôi bật ra thành câu, thành chữ: “Đò lên Thạch Hãn xin chèo nhẹ/Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/Tan chợ chiều xuôi đò có vội/Xin, xin đừng khuấy đục dòng trong”. Tôi “viết” để trải lòng mình nên cũng chẳng gửi in ở đâu, chỉ có đọc cho nhà văn Thế Vũ nghe khi chúng tôi đi tàu từ Huế vào Nha Trang. Sau này (khoảng năm 1990), chúng tôi có dịp gặp lại cùng với nhà văn Đỗ Kim Cuông. Anh Thế Vũ bảo tôi đọc lại bài thơ. Đọc xong anh Đỗ Kim Cuông góp ý: “Bài thơ cảm động nhưng xót xa quá. Về câu chữ thì từ “xin” cứ lặp đi lặp lại, có nên không ?”. Tôi đã sửa từ “xin” ở câu đầu tiên thành từ “ơi”. Đây là thán từ gọi đò theo phương ngữ Quảng Trị (ơi đò... bớ đò... đò ơ!) khi gọi lên có tiếng đồng vọng nên nghe càng thắt thẻo hơn. Riêng 2 câu cuối được viết lại thành “Có tuổi hai mươi thành sóng nước/Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm”. Bản này được in trên tạp chí Khoa học công nghệ Khánh Hòa dịp 27.7.1990.
* Và, những dị bản?
- Có một nhà báo là chỗ anh em thân tình, anh đã nhiều lần giới thiệu bài thơ Tiếng gọi bên sông trong các bài viết của anh, nhưng qua đó anh cũng tạo ra một dị bản: “Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ/Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/Có tuổi hai mươi thành sóng nước/Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm.”. Có lẽ bài thơ là tiếng lòng chung cho mọi người nên người này nhớ một hai câu, người khác thuộc trọn bài nhưng hầu như nếu so sánh thì vẫn có vài từ khác nhau:  Đò lên (Đò xuôi)... ơi chèo nhẹ (xin chèo nhẹ)... Có tuổi hai mươi (có tuổi đôi mươi)... thành sóng nước (hòa sóng nước)... bờ mãi mãi ngàn năm (bờ bãi mãi ngàn năm). Ngay trong bản thơ xuất hiện một cách khiêm nhường ở Bảo tàng Thành cổ Quảng Trị cũng có 2 từ chưa chính xác. Đó là từ xuôi và xin ở câu thơ đầu tiên, đúng trong nguyên bản là từ lên và ơi... Như vậy, ngoại trừ nguyên bản ban đầu và “nguyên bản” thứ 2 do tác giả sửa thì các dị bản truyền miệng trong dân gian không khác nhau bao nhiêu. Tuy nhiên cho dù đọc với chính bản hoặc bất cứ dị bản nào thì đều cảm nhận đó là tiếng lòng nguyên vẹn của tác giả gửi gắm vào những dòng thơ xót xa hòa lẫn máu và nước mắt thấm đẫm tình đồng đội, nghĩa đồng bào. Bởi vậy, có lẽ không nên đặt các bản thơ lên bàn cân xăm soi, chẻ từ, chiết nghĩa làm gì. Tôi tuy là tác giả nhưng vẫn coi bài thơ là tiếng lòng của mọi người.
* Nghe nói chung quanh bài thơ cũng xuất hiện nhiều giai thoại?
- Hiện bình quân mỗi ngày tôi nhận được 1 cuộc điện thoại từ đâu đó trên cả nước gọi hỏi về bài thơ. Thậm chí ở Phú Yên cũng có  người gọi Tổng đài 108 đề nghị cung cấp thông tin về bài thơ, tên, số điện thoại của tác giả. Nhiều người cứ tưởng bài thơ còn nhiều câu nữa nên gọi điện hoặc trực tiếp đề nghị tôi cho biết trọn bài thơ. Ngay cái tựa Lời gọi bên sông cũng là một giai thoại. Lúc đầu bài thơ không có tựa đề, cho dù chỉ là cái tựa “vô đề” như những bài thơ khác. Sau này khi người biên tập tạp chí đem bài thơ đi in, thấy thiếu cái tựa liền gọi điện hỏi tôi. Tôi giải thích đó chỉ là lời người bên sông... Không ngờ người biên tập cho in luôn tựa bài thơ là Lời gọi bên sông.
H.Đ.N

Không có nhận xét nào: