Thứ Tư, 21 tháng 8, 2013

ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP SINH RA TRÊN MỘT VÙNG ĐẤT ĐẶC BIỆT

(Soha.vn) - "Ông Võ Quang Nghiêm đã đặt cho con trai cả cái tên Giáp, hẳn là một cái tên nhiều ý nghĩa. Còn cái tên dòng họ Võ có nghĩa là sức mạnh, là võ lực, còn Giáp có nghĩa là một vật che chắn ngực khi xung trận".

Cuốn sách Võ Nguyên Giáp - Chiến thắng bằng mọi giá do Công ty sách Thái Hà phát hành đã tái hiện chi tiết cuộc đời vị tướng đại tài của dân tộc Việt Nam. Tác giả của cuốn sách - giáo sư sử học người Mỹ Cecil B. Currey - đã dành nhiều năm dày công nghiên cứu và trò chuyện trực tiếp với Đại tướng Võ Nguyên Giáp để có được những tư liệu quý giá, chân thực nhất về ông. Chúng tôi xin được gửi tới quý độc giả một số trích đoạn đặc sắc từ cuốn Võ Nguyên Giáp - Chiến thắng bằng mọi giá!

"Tại miền trung Trung kỳ, đúng hơn ở phía bắc vĩ tuyến 17, tỉnh lộn xộn nhất là Quảng Bình, tại  tổng Đại Phong, huyện Lệ Thủy có một làng không lớn, dân không đông là An Xá. Ngày 25 tháng 8 năm 1911, một phụ nữ trong làng là bà Nguyễn Thị Kiên sinh hạ được một bé trai đỏ hỏn và được chồng là Võ Quang Nghiêm đặt cho cái tên Võ Nguyên Giáp.
Ở Việt Nam, tên được cha mẹ đặt cho mới là tên chính và trong cuộc sống thường ngày chỉ gọi nhau bằng  tên cha mẹ đặt cho. Còn tên đầy đủ có cả tên dòng họ và tên đệm ở giữa chỉ được dùng trong giấy khai sinh, trong giấy tờ, sổ sách hoặc trong các dịp trang trọng khác.
Ông là con thứ sáu trong gia đình, nhưng lại coi như con trai cả vì hai con trai sinh truớc đều không nuôi được, tiếp đó là ba người chị gái thì một chị cũng mất sớm vì bệnh kiết lỵ chỉ còn hai người chị được cha mẹ đặt tên là Diễm và Liên. Tiếp sau Giáp là một người con trai nữa, Võ Thuần Nho và kế đến người con gái, đứa con út trong gia đình được đặt tên là Võ Thị Lài.
Ông Võ Quang Nghiêm đã đặt cho con trai cả cái tên Giáp, hẳn là một cái tên nhiều ý nghĩa. Còn cái tên dòng họ Võ có nghĩa là sức mạnh, là võ lực, còn Giáp có nghĩa là một vật che chắn ngực khi xung trận.
 Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Quảng Bình, sinh quán của ông cùng với hai tỉnh liền kề Hà Tĩnh và Nghệ An chiếm phần lớn của dải đất hẹp nhất nước và từ xa xưa vẫn là những vùng nghèo nhất. Đa số dân trong làng An Xá nhỏ bé là nông dân nghèo. Trừ ba bốn gia đình là địa chủ có nhiều đất đai cày cấy, còn phần lớn là những mảnh ruộng con con nhưng người ta không bắt buộc phải thuê thêm để trồng trọt.
Đất đai để canh tác chạy quanh làng là đất sỏi, đất cát, ít màu mỡ chỉ trồng được lúa và khoai lang. Dân làng phải vất vả mà sống lần hồi những phong cảnh đặc biệt vùng Quảng Bình khiến họ rất tự hào, có ba con sông lớn : sông Gianh, Nhật Lệ và Kiên Giang. Hồ Bầu Tró phía bắc Đồng Hới một cây số có hình dáng tựa như cái nghiên mực. Rồi một cái hồ thiên nhiên nữa lớn hơn gọi là Hạc Hải cũng có hình dáng tương tự. Nước hồ dù thất thường khi đầy khi vơi ăn thông sang các sông lớn đủ cung cấp cá làm phong phú bữa ăn vốn đạm bạc của người Việt từ bao đời nay.
Trên bờ hồ Hạc Hải  trồng các giống dưa đỏ nổi tiếng mà xưa kia những quả ngon nhất được đưa đi tiến vua. Không xa là đỉnh Đầu Mầu có nhiều hang động ở sườn núi làm chỗ chơi cho bọn trẻ.
Dân Quảng Bình không những tự hào về ruộng, rừng kề bên, về các ngọn núi ẩn hiện trong sương mù ở chân trời mà vì  những người con sinh trưởng nơi đây đã là những quan lại đầu triều, những nhà nho học lỗi lạc, những quan võ cận thần của vua, những nhà thơ, những bậc hiền triết được vua vời vào cung  dạy dỗ hoàng tử trưởng chuẩn bị làm người kế nghiệp ngôi báu.
Người dân An Xá là những nông dân nghèo đầy kiêu hãnh và tự hào dân tộc, được chính quyền thuộc địa cho là ương ngạnh, ngang bướng. Họ không dễ dàng chịu sự kiểm soát và ít kiêng nể giới cầm quyền dù là quan lại Trung Hoa thời Bắc thuộc xưa kia hay người Pháp sau này  kể cả quan lại người Việt được Triều Đình bổ nhiệm.
Nghe các cụ già kể lại, người dân An Xá đã từng  nổi dậy chống lại nền đô hộ thời Bắc thuộc và sau này những năm 80 của thề kỷ trước đã nhiệt liệt hưởng ứng phong trào Cần Vương chống Pháp, gần đây nhất là những cuộc nổi dậy của nông dân Trung Kỳ những năm 1930-1931. Và khi còn ở tuổi thiếu niên, Giáp còn nghe được nhiều gương đấu tranh của nông dân trong vùng hãy còn tươi rói trong tâm trí họ...".
Kỳ sau: Chân dung hai vị thân sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Không có nhận xét nào: