Tháng Mười 24, 2012 —
Lê Mai
Những ngày cuối tháng 10 năm 2012, cuộc đua
giành chiếc ghế Tổng thống Mỹ giữa Obama và Romney đang bước vào giai đoạn cuối
cùng. Như thường lệ, các cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ luôn luôn là một sự kiện đặc
biệt, thu hút sự chú ý của toàn thế giới.
Một sự liên tưởng đưa chúng ta trở về tháng 10 năm 1972 – bốn mươi năm trước, Nixon và Mc Govern cũng đang ráo riết vận động tranh cử với mục tiêu là chiếc ghế Tổng thống Mỹ. Thượng nghị sỹ Mc Govern là người chủ trương chấm dứt dính líu không điều kiện ở VN. Còn Nixon, Tổng thống đương nhiệm – một con “diều hâu” có hạng theo cách nói của Hà Nội. Và bên kia đại dương, tại kinh đô ánh sáng, một con “diều hâu nhỏ” khác, Tiến sỹ Kissinger, đang đấu khẩu kịch liệt với Lê Đức Thọ trên bàn đàm phán. Không một vấn đề gì – dù nhỏ nhất, có thể lọt qua mắt họ.
Lợi ích tối cao của đất nước, của dân tộc đòi
hỏi tầm cao trí tuệ của các nhà lãnh đạo, không cho phép họ phạm bất cứ sai lầm
nào. Vấn đề cả hai bên đều quan tâm là vận dụng sự kiện bầu cử Tổng thống Mỹ
vào tiến trình cuộc hòa đàm Pari như thế nào nhằm đạt được ý định của mình.
Năm 1972 là năm bầu cử Tổng thống Mỹ, sẽ có
những cái khó cho Nixon trong cuộc chạy đua vào Nhà trắng. Tính toán về thời
cơ, Hà Nội đã tung ra cuộc tấn công mùa hè đỏ lửa vào dịp Lễ phục sinh. Cho đến
những ngày tháng 10 năm 1972, lực lượng hai bên Bắc và Nam VN vẫn đang ở thế
giằng co quyết liệt. Hoa Kỳ vẫn ném bom, đánh phá ác liệt Bắc VN, đồng thời hòa
hoãn với LX, khai thác sự đối đầu Xô – Trung. Nam VN vẫn kiểm soát các thành
phố lớn và hai phần ba dân số. Trong bối cảnh đó, đòi hỏi của Bắc VN buộc Thiệu
phải từ chức trước khi ký Hiệp định Pari là điều không thực tế.
Bộ Chính trị Bắc VN đã họp liên tục đánh giá
tình hình, đi đến quyết định chuyển hướng chiến lược từ chiến lược chiến tranh
sang chiến lược hòa bình. Từ nay đến trước bầu cử Tổng thống Mỹ, lợi dụng mâu
thuẫn nội bộ Mỹ và mâu thuẫn giữa Mỹ và các nước khác để giành một bước thắng
lợi quan trọng, kết thúc chiến tranh, chuyển sang phương thức đấu tranh mới.
Thời gian tới có khả năng buộc Mỹ chấp nhận một giải pháp có lợi cho Bắc VN.
Nhận định đó có phù hợp hay không, thực tế sẽ có câu trả lời.
Về phía Hoa Kỳ, tất nhiên họ đã suy tính đầy
đủ các nước cờ. Nền dân chủ nước Mỹ có nhiều điểm đặc sắc mà không phải ai cũng
hiểu được. Thêm vào đó là thái độ của dân chúng Mỹ. Có vẻ như họ đã quá chán
ghét chiến tranh và bây giờ chỉ muốn Hoa Kỳ rút khỏi Nam VN càng sớm càng tốt.
Như vậy, ứng cử viên Mc Govern đang đứng trước cơ hội lớn? Hà Nội đặt nhiều hy
vọng vào Mc Govern, đã tiếp đặc phái viên của ông ta, thả một số tù binh Mỹ
nhằm tăng sức ép đối với Nixon. Hà Nội cho rằng, nếu Nixon tái cử thì tình hình
sẽ rất phức tạp, song “chúng ta cũng không nên đặt nhiều ảo tưởng vào Mc
Govern”. Đó là một nhận định sáng suốt.
Kissinger nói với Lê Đức Thọ và Xuân Thủy, bất
cứ cố gắng nào nhằm lợi dụng cuộc hòa đàm Pari vào bầu cử Tổng thống Mỹ thì Mỹ
sẽ ngừng đám phán đến sau bầu cử. Và nếu vậy thì phía Bắc VN cũng không đạt
được điều kiện tốt hơn đâu. Ông ta thêm:
- Nếu các ngài muốn biến cuộc bầu cử ở Mỹ
thành một cuộc trưng cầu dân ý về vấn đề VN thì Hoa Kỳ không chấp nhận đâu.
Kissinger tính toán nhiều khả năng: thứ nhất,
đạt được một giải pháp trước bầu cử; thứ hai, kết thúc chiến tranh bằng một
bước leo thang sau bầu cử và thứ ba là để xung đột tiếp tục, dùng sức mạnh buộc
Hà Nội phải nhượng bộ. Những ngày trước tháng 10 năm 1972, liên tục các cuộc
gặp riêng nhưng nhiều vấn đề quan trọng giữa hai bên vẫn chưa đạt được thỏa
thuận.
Lê Đức Thọ:
- Ông cố vấn nói tình hình đã chín muồi, ông
muốn nhanh chóng giải quyết vấn đề nhưng thời gian ông đề ra lại kéo dài và
theo chúng tôi thì ông muốn kéo dài đàm phán để vượt tuyển cử. Có phải thế
không?
Nhưng Kissinger cho rằng việc thương thuyết
không có ích gì đối với tuyển cử ở Mỹ vì đa số dân chúng đã ủng hộ Nixon rồi.
Ông Thọ tiếp tục thăm dò ý định của Kissinger
bằng nhận xét rằng các ông chưa chịu đi vào giải quyết sớm. Nếu các ông giải
quyết sớm thì chúng tôi cũng sẵn sàng giải quyết sớm. Nếu các ông kéo dài và
đánh mạnh hơn thì chúng tôi cũng phải có cách đối phó. Kissinger bèn nói rằng,
chúng tôi muốn giải quyết trước 15 tháng 10 làm hai ông Lê Đức Thọ và Xuân Thủy
rất vui mừng nhận lời ngay.
Đạt được một giải pháp trước bầu cử ở Mỹ chính
là ý đồ của Bắc VN, bởi vì nếu để sau bầu cử sẽ khó mà buộc được Mỹ nhân nhượng
hơn. Lập tức, “Pari” điện về cho Hà Nội, nhận định có hai khả năng: thứ nhất,
Mỹ vẫn giữ lập trường cũ để Nixon vượt tuyển cử; thứ hai, cũng có khả năng
Nixon muốn giải quyết trước bầu cử để đảm bảo chắc thắng. “Pari” đề nghị tranh
thủ giải quyết vào thời điểm 15 tháng 10 và được Hà Nội trả lời đồng ý.
Một dự thảo Hiệp định cùng các văn kiện kèm
theo được Bắc VN chuẩn bị và Bộ Chính trị đã xem đi xem lại nhiều lần. Đồng
thời, Bộ Chính trị còn cử Nguyễn Duy Trinh đi LX và Lê Thanh Nghị đi TQ nhằm
thông báo và tranh thủ sự ủng hộ của hai đồng minh lớn nhất. Hà Nội chỉ thị cho
“Pari”: “Hiệp định này nhằm yêu cầu chủ yếu là chấm dứt sự dính líu về quân sự
của Mỹ và chỉ nêu ra một số nguyên tắc về vấn đề nội bộ ở miền Nam”. Nhiều yêu
cầu khác, Bắc VN thấy rằng chưa thể đạt được và nếu có tiếp tục đàm phán sau
bầu cử cũng không thể đạt được, do vấn đề so sánh lực lượng ở Nam VN chưa có
lợi cho Bắc VN.
Hà Nội chủ động tấn công. Ngày 8.10.1972, khác
với thường ngày luôn phê phán và chỉ trích như một thầy giáo giảng bài cho học
trò, hôm nay người ta thấy Lê Đức Thọ có vẻ cởi mở, tươi cười hơn và điều đó
không lọt khỏi con mắt của Kissinger. Quả nhiên, ông Thọ nói:
- Với những vấn đề mà hôm nay ông trình bày
thì chúng tôi cho rằng khó mà đi nhanh được, khó mà đảm bảo thời điểm mà chúng
ta đã thỏa thuận.
Kissinger và phái đoàn Mỹ càng chú hơn. Ông
Thọ dõng dạc:
- Trên cơ sở mười điểm của chúng tôi và mười
điểm của các ông, VNDCCH và Hoa Kỳ sẽ thỏa thuận và ký kết “Hiệp định về chấm
dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở VN”. Hiệp định này chỉ nhằm giải quyết các
vấn đề quân sự như vấn đề rút quân Mỹ, vấn đề trao trả những người các bên bị
bắt trong chiến tranh, ngừng bắn có giám sát quốc tế, vấn đề hàn gắn vết thương
chiến tranh, khôi phục kinh tế miền Bắc VN. Còn các vấn đề quân sự và chính trị
của miền Nam VN thì chỉ thỏa thuận những nguyên tắc chính, sau khi ký hiệp định
này thì sẽ ngừng bắn ngay.
Kissinger thực sự ngạc nhiên, vì ông ta không
ngờ rằng những điều ông ta đề xuất cách đây bốn năm và nói đi nói lại nhiều lần
trong ba năm qua thì nay lại được ông Thọ chấp nhận. Kissinger viết trong Hồi
ký: “ Hầu hết các đồng sự của tôi và tôi hiểu ngay tầm cỡ của những điều chúng
tôi vừa nghe. Tôi yêu cầu ngừng phiên họp ngay. Lord và tôi nắm tay nhau và
tuyên bố. Chúng ta đã thành công! Tướng Haig, người đã từng chỉ huy ở miền Nam
VN xúc động tuyên bố: chúng ta đã cứu vớt danh dự cho bao người đã chiến đấu,
đau khổ và hy sinh ở nơi đó… Tôi chưa bao giờ cảm động bằng buổi quá trưa mát
mẻ của ngày chủ nhật mùa thu ấy. Chúng ta sẽ đạt được điều mà chúng ta tìm
kiếm: một nền hoà bình phù hợp với danh dự và trách nhiệm quốc tế của chúng
ta!”.
Chúng ta thấy, cuộc tấn công ngoại giao của
phái đoàn VNDCCH rất lý thú nhằm mục tiêu ký được Hiệp định Pari trước cuộc bầu
cử Tổng thống Mỹ. Sau nhiều phiên họp bàn bạc, hai bên thỏa thuận sẽ ký vào
ngày 25 hoặc 26.10, cuối cùng là 31.10.1972. Nhưng với những bậc cao thủ về đàm
phán như Kissinger, thực tế đã diễn ra không như ý đồ của VNDCCH. Liệu dư luận
công chúng Mỹ trong vấn đề VN có tác động trực tiếp, quyết định đến cuộc bầu cử
Tổng thống Mỹ hay không? Câu trả lời là không. Nixon đã thắng cử tỷ lệ cao với
60,7 % số phiếu bầu so với 37,5 % phiếu bầu cho Mc Govern – một tỷ lệ thấp nhất
trong lịch sử. Cuộc hòa đàm Pari còn rất gay go và lịch sử vẫn đang chờ đợi…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét